fbpx
Du er her:  Topas Ecolodge » Sắc chàm và dấu ấn Batik người H’mong Sapa

Sắc chàm và dấu ấn Batik người H'mong Sapa

Tại các bản làng vùng cao Sapa, bạn có thể dễ dàng bắt gặp sự nền nã, dịu dàng của sắc chàm đen hiện hữu trên những trang phục thường nhật của các cô gái H’mong. Nghề nhuộm chàm độc đáo này được bà con truyền tay nhau, lưu giữ dấu ấn qua từng thế hệ, để màu chàm thắm mãi như một nét biểu tượng, chứa đựng hồn cốt của văn hóa dân tộc. Đi đôi cùng nghệ thuật nhuộm chàm, người H’mong cũng khám phá ra một ngón nghề truyền thống, đó là kỹ thuật trang trí Batik. Và câu chuyện bắt đầu…

Đôi nét về nghệ thuật Batik

Batik là một nghệ thuật trang trí trên vải phổ biến của khá nhiều dân tộc, nhưng đối với người Mông Đen tại Sapa, đó lại là một dấu ấn có một không hai. Kỹ thuật này sử dụng sáp ong nóng chảy, vẽ trên mặt vải. Sau đó, tấm vải sẽ được nhuộm trong màu chàm và luộc cùng nước sôi. Sáp ong tan chảy trong nước sôi sẽ để lộ ra những phần hoa văn rực rỡ, cực tinh xảo và cầu kỳ.

Phụ nữ H’mong tự hào về kỹ thuật độc đáo này, họ sở hữu ngón nghề điêu luyện cùng truyền thống Batik được truyền lại từ ngàn xưa. Ta có thể thấy người nghệ nhân múa bút trên từng tấm vải, họ vẽ nên những tinh hoa, tinh thần dân tộc, đựng chứa cả hồn cốt văn hóa bản địa.

Để tạo nên dấu ấn Batik, bạn cần…

  • Vải: có thể là vải cotton hoặc Lanh, với người H’mong họ thường chuộng vải lanh, đã giặt sạch sẽ và được làm phẳng, thường thì được trải trên một tấm ván và vuốt phẳng bằng nanh lợn rừng
  • Bút vẽ: có cán tre, phần đầu là hai tấm đồng nhỏ cạnh tròn, úp vào nhau, chứa sáp ong nóng bên trong.
  • Sáp ong: loại sáp thiên nhiên người dân lấy từ rừng
Woman harvesting hemp
Textile 1

Nét hoa văn tinh xảo trên vải

Sáp ong chỉ có thể dùng để vẽ khi ở trạng thái nóng chảy. Bởi vậy, người nghệ nhân khi vẽ luôn phải kề cạnh bếp than để vừa đun sáp vừa vẽ. Họ dùng bút, chấm sáp ong và vẽ nên những hoa văn đẹp nhất.

Người H’Mông đặc biệt rất giỏi bố cục các hình tròn, hình vuông, các đường thẳng đường cong, các hình xoắn ốc để tạo thành những họa tiết có đường nét rất sinh động. Riêng người Mông đen chủ yếu sử dụng các hoa văn to bản, họa hình động vật xung quanh; họa hình cây cỏ, hoa lá; và họa hình công cụ lao động.

Sắc chàm - Sự công phu tạo nên dấu ấn huyền thoại

Câu chuyện về nghề nhuộm chàm như đã gắn bó qua bao thế kỷ với bà con Mông Đen tại Sapa, nó chứa đựng mảnh hồn của dân tộc, của quê hương xứ sở, và cũng là biểu tượng đẹp của người H’mong.

Người giữ lửa nghề nhuộm này thường là những người phụ nữ cao tuổi trong gia đình. Họ truyền lại cho con cháu mình, tiếp nối thế hệ cho sắc chàm thắm mãi với thời gian.  Đôi bàn tay “nhúng chàm” không chỉ là nghệ thuật mà đó còn là 1 nét đẹp nhân sinh cao quý. Người bà, người mẹ nhuộm vải để con cái có áo đẹp mặc, nhà nào có con gái lại cần nhuộm nhiều hơn. Sắc chàm nền nã, bền bỉ là minh chứng cho sự thủy chung, gắn bó bền chặt giữa muôn nẻo yêu thương nơi đây.

Textile 3
DSC02308

Giữ lửa nghề nhuộm chàm truyền thống

Vào cuối hạ, cũng là thời gian bà con lên nương cắt lá chàm về nhuộm vải. Các cô gái nhỏ tuổi thường đi theo mẹ lên nương từ sáng sớm. Họ thường lấy giống từ rừng về gieo trồng trong nương gần nhà, có những năm không thu hoạch tốt, bà con lại phải lên rừng sâu kiếm cây giống mới. Cây chàm được đem rửa sạch, ngâm trong nước 3 ngày 3 đêm cho đến 1 tuần đến khi mục tạo thành 1 thứ nước sóng sánh màu xanh đen. Sau đó họ bỏ vôi bột vào khuấy kỹ. Sau 1 hồi, bột chàm và vôi sẽ lắng xuống đáy thùng. Gạn hết nước đi, phần bột sánh dưới đáy được giữ lại, đó chính là cao chàm.

Để ra được màu chàm đậm, không dễ bạc màu, miếng vải sẽ được nhuộm nhiều lần. Chu trình nhuộm này có thể kéo dài đến hàng tháng trời. Thường thì người H’mong sẽ nhuộm chàm vào những ngày nhiều nắng. Các quy trình này yêu cầu người nghệ nhân phải vô cùng tỷ mỷ, nhẹ nhàng bởi phải giữ cho các họa tiết sáp ong không bị vỡ.

Lá chàm ngâm cũng giúp gia chủ ngăn côn trùng. Nhuộm chàm làm trang phục đi làm để chống đỉa, vắt

Sau cùng để có được một miếng vải may quần áo bóng, đẹp thì bà con H’Mong sẽ nhuộm thêm một lần nữa với sáp ong. Sáp ong lấy từ rừng, được ngâm trong nước chàm, đến khi màu nước chuyển đen thì đem nhuộm. Họ dung sáp ong bôi lên bề mặt vải, lăn đá đến khi vải cứng. Đây được gọi là kỹ thuật “nhuộm chàm khô”, giúp miếng vải đẹp hơn, bền, bóng hơn, giữ được form dáng tốt hơn nhiều.

Để khám phá thêm nhiều câu chuyện về dấu ấn văn hóa đặc sắc, bạn hãy đến và trải nghiệm các hoạt động thú vị tại Topas Riverside Lodge. Còn rất nhiều điều kỳ thú đang chờ đợi bạn!

Cùng khám phá một Sapa xinh đẹp
Liên hệ ngay để bắt đầu cuộc hành trình của bạn